TRUNG TÂM Y TẾ GÒ DẦUhttps://ttytgodau.tayninh.gov.vn/uploads/logotrungtamtt_1.png
Thứ hai - 20/07/2020 16:17
Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên .Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vaccin phòng bệnh Bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế. Vừa qua tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 ca nhiễm, 1 ca tử vong, 1 ca đang có diễn biến bạch hầu trở nặng và thêm một số trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bạch hầu.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm độc , nhiễm khuẩn, lây theo đường hô hấp, gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên.
Vi khuẩn bạch hầu sinh sản phát triển tại chỗ, tiết ra ngọai độc tố vào máu lan khắp cơ thể, chính là tác nhân gây bệnh, vi khuẩn không xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.
Vi khuẩn bạch hầu xâm nhập cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp (gây bệnh bạch hầu họng, thanh quản); màng tiếp hợp mắt (gây bệnh bạch hầu mắt); thính giác (bạch hầu tai); da tổn thương (bạch hầu da)
2. Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào?
Bệnh bạch hầu lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Nó có thể gây nhiễm trùng mũi họng dẫn đến khó thở và tử vong.
Người lành mang vi khuẩn lây lan vi khuẩn theo phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp:
+ Trực tiếp: qua đường thở do khi nói , hắt hơi vi khuẩn bám theo bụi nước mà truyền sang người lành.
+ Gián tiếp: thông qua đồ dùng ,thức ăn, đồ uống mang vi khuẩn của bệnh nhân.
3. Biểu hiện của bệnh bạch hầu:
Triệu chứng ban đầu của bệnh là viêm họng giống như viêm amydal, sốt nhẹ, đau đầu, ho và giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi.
Sau khi có triệu trứng trên khoảng 2-3 ngày ở trong họng, thanh quản có khi cả ở mũi xuất hiện màng giả có màu trắng hay xám.
Màng giả bạch hầu có đặc điểm là dai, dính và dễ chảy máu nếu bóc màng giả.
Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.
4. Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Độc tố bạch hầu có tác dụng chọn lọc với cơ tim, thần kinh, thận và thượng thận; gây viêm cơ tim, phù nề, xung huyết, làm tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim. Gây thóai hóa thận, hoại tử ống thận, làm xung huyết tuyến thượng thận, chảy máu ở lớp tủy và vỏ thượng thận.
Khi độc tố bạch hầu đã gắn vào các mô: tim , thần kinh, thận và thượng thận thì kháng độc tố bạch hầu (SAD) không thể trung hòa được độc tố, chỉ có thể trung hòa được độc tố bạch hầu lưu thông trong máu.
Bệnh nhân tử vong do đột ngột trụy tim mạch không hồi phục vào khoảng 5 đến 10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
5. Ai có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?
Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ mắc cao ở trẻ em từ nhỏ hơn 15 tuổi.
Tỷ lệ mắc các thể bệnh: bạch hầu họng: 70%, bạch hầu thanh quản: 20-30%, bạch hầu mũi:4%, bạch hầu mắt: 3-8 %, bạch hầu da: ít.
6. Điều trị và phòng bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu được điều trị càng sớm càng tốt, vì nếu phát hiện và điều trị muộn thì nguy cơ tử vong sẽ cao. Điều trị phải toàn diện, trung hòa độc tố bạch hầu phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn, phát hiện ngăn ngừa các biến chứng, chống tái phát, chống bội nhiễm và chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp khó thở, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để mở khí quản.
7.Bệnh bạch hầu phòng ngừa như thế nào?
. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu miễn phí tại các trạm y tế xã, thị trấn như:
- vaccin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ (Hib)
- Hoặc DTP là vaccin phòng bệnh bạch hầu-uốn ván-ho gà đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Vaccin 5 trong 1
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 2 tháng
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 2 tháng
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.